SELECT MENU

Các vấn đề tâm lý nan giải trong đầu tư

Thị trường chứng khoán là thị trường của tâm lý hành vi. Từ tâm lý cá nhân cho đến tâm lý tổ chức là yếu tố quyết định đến sự biến động giá hàng ngày trên thị trường.

5 quyển sách hay về tâm lý giao dịch hữu ích với mọi nhà đầu tư - Readvii

Kiên Nhẫn và Kỷ Luật

Từ kiên nhẫn (patience) có nhiều nghĩa hơi khác nhau tùy theo từng ngữ cảnh. Khi thì nó có nghĩa kiên trì, không bỏ cuộc; khi thì không quá nóng lòng chờ kết quả, cứ bình tĩnh chờ thời gian đến; khi thì có nghĩa nhẫn nại, nhẫn nhịn, nhẫn nhục, kham nhẫn… Một người thiếu kiên nhẫn thường sẽ mong mỏi sự việc xảy ra theo như ý mình. Anh ta chỉ nghĩ đến những suy nghĩ, dự định của mình mà quên rằng nó còn phụ thuộc nhiều nhân duyên liên hệ khác.
Ngược lại, người kiên nhẫn có cái nhìn tổng thể hơn, thấy sự vật thay đổi, chuyển động và trôi theo dòng chảy, và nếu sự việc xảy ra không như dự tính thì người ấy cũng có thể nhìn nó như một phần của dòng đời lên xuống, “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên” mà thôi. 

Người kiên nhẫn trở nên nhận biết khoảng thời gian cần thiết để thuần thục trong nghề, nhận biết các giai đoạn cần phải trải qua và chỉ chú trọng luyện tập để hoàn thiện mình. Khi xác định rằng việc đầu tư đòi hỏi phải trải nghiệm thực tế trong vài năm giống như thời gian hoàn tất một chương trình đại học thì bạn sẽ không nóng vội và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về tài chính.

Kiên nhẫn trong đầu tư cũng là kiên trì, bền bỉ làm việc học hỏi thị trường qua ngày tháng. Bạn sẽ kiên trì theo đuổi công việc vượt qua định kiến xã hội, chấp nhận làm việc độc lập (nhưng không phải kiểu say mê, nghiện ngập); bạn kiên nhẫn lắng nghe, quan sát, ghi chép về thị trường đều đặn; bạn kiên nhẫn giao dịch khối lượng thật nhỏ cho đến khi thuần thục.

Kiên nhẫn trong đầu tư cũng là khả năng chế ngự thân tâm trước những xung động quá mức hay những tình cảm bốc đồng, không những chỉ sân hận mà cả tham lam, ngạo mạn, ích kỷ, tật đố v.v… đã tập nhiễm lâu ngày. Đây là loại kiên nhẫn ở mức độ sâu sắc mà nhà đầu tư khó đạt được. Nếu một người đang thua, anh ta mang trong mình cảm giác khó chịu nên cố gắng xua đuổi nó (phi hữu ái) và trở lên mất kiên nhẫn. Nếu đang thắng, anh ta có thể bốc đồng, tham lam muốn nhiều hơn (hữu ái), không kiên nhẫn chờ đợi các cơ hội tiếp theo và dẫn đến những hành động giao dịch dễ dãi. Hoặc có thể do ưa thích cảm giác mạnh (dục ái) mà lăng xăng giao dịch quá độ, không thể đợi đến khi xuất hiện tín hiệu giao dịch tốt…

Nhà đầu tư không có sự nhẫn nại là do chấp vào cái ta, nên như câu nói:
“Nhẫn nại hoàn hảo nhất là hoàn toàn buông cái ta đối kháng. Khi trí tuệ thấy rõ trật tự vận hành tự nhiên của pháp trong quan hệ nhân quả nghiệp báo, bạn bắt đầu tinh tấn sống thuận pháp, không quá nỗ lực, cũng không buông lung. Tuy nhiên, khi gặp phải khó khăn gian khổ bạn thường phản ứng theo thói quen đối kháng hoặc trốn chạy, từ chối đón nhận sự thật. Nhưng chính phản ứng đối kháng hoặc chạy trốn này càng làm gia tăng áp lực của sự gian khó, và tất nhiên đưa đến căng thẳng, phiền não và khổ đau. Vì vậy, người có trí tuệ biết nhẫn nại để thoát ly cái ta bất bình, đối kháng. Nghịch cảnh không đem đến khổ đau mà chính cái ta nóng nảy không nhẫn nại mới tạo ra đối kháng rồi lãnh lấy hậu quả là lo âu, sợ hãi, khổ đau và phiền muộn….Thái độ tốt nhất là bình tĩnh nhẫn nại thì áp lực sẽ không phát sinh, còn nếu đã phát sinh thì nó sẽ tự hóa giải.

Mục đích của nhẫn nại không phải để vượt qua gian khó, mà là thoát khỏi sự bồn chồn, nóng nảy của cái ta đối kháng. Bạn không thể vượt qua mọi khó khăn trong đời sống. Có những khó khăn mà bạn phải đón nhận và chung sống hòa bình suốt đời. Ngay khi bạn khởi lên ý muốn vượt qua gian khó là bạn đã dựng lên chướng ngại cho mình. Chướng ngại lớn nhất chính là cái ta của bạn. Nó chỉ biết làm sao có lợi cho mình mà không thấy nguyên lý vận hành của sự sống. Cho nên nó luôn tìm cách phản kháng cái không thích, và đòi được cái vừa lòng. Chính vì thái độ lăng xăng đó cái ta tự tạo ra bất an trong khi luôn muốn được bình an!”

Một vấn đề lớn khác trong nghề là nhà đầu tư luôn phá vỡ kỷ luật đã đặt ra. Có người nói đùa rằng đối với việc đầu tư “kỷ luật sinh ra là để bị phá vỡ” mà đây lại là sự thật. Nhìn sâu một chút, chúng ta thấy rằng kỷ luật chính là các biện pháp cụ thể đặt ra nhằm kiềm chế bản ngã, hỗ trợ cho nhà đầu tư tăng thêm kiên nhẫn. Tuy nhiên, khi sự đối kháng (sân), dính mắc (tham) hay lăng xăng (si) trong công việc đủ mạnh thì chúng sẽ dễ dàng vượt khỏi vòng kiểm soát của ý thức, làm cho ta không còn vận dụng được các hiểu biết chuyên môn để giao dịch hiệu quả.

Những cảm xúc ấy, chúng thôi thúc ta, hung hăng với ta, chúng phỉnh phờ, dụ dỗ ta, đe dọa ta, nhưng thật ra chúng hoàn toàn rỗng tuếch. Ta tuân phục chúng chỉ vì thói quen mà thôi. Ta chịu thua vì ta không bao giờ chịu khó nhìn xuyên qua chúng.

Thật ra có một chữ khác để dùng thay cho kỷ luật tự giác, đó là sự kiên nhẫn!”

Như vậy, hai vấn đề nan giải của trader là kiên nhẫn và kỷ luật chung qui lại vẫn có nguồn gốc từ cái bản ngã mong muốn trở thành, không bằng lòng với hiện tại, chạy ra khỏi cái đang là, càng mong muốn thì càng đánh mất thực tại, càng mất kiên nhẫn và không thể giữ được kỷ luật. Nếu tỉnh thức, trọn vẹn với cái đang là (being) thì “nó sao, mình vậy”, không bị lôi kéo bởi cái “cho là, sẽ là, phải là” (becoming) thì không phải “chịu đựng” thực tại nữa. Khi đó thì thời gian tâm lý bằng 0 và không cần đến sự kiên nhẫn mà vẫn có kiên nhẫn vô cùng, không đặt ra kỷ luật mà vẫn có kỷ luật hoàn hảo.

Trực Giác
Một khả năng mà các nhà đầu tư chuyên nghiệp luôn tìm kiếm, đó là trực giác. Trực giác cho họ có khả năng phản ứng chính xác đến mức kỳ lạ, nhưng chỉ thoáng qua, khi ẩn khi hiện và không phải ai cũng kinh nghiệm được. Trực giác là một vấn đề thuộc tâm trí con người, rất khó nắm bắt nên chỉ có một ít người trực tiếp quan sát được chúng mới khám phá được. Có 1 mô tả về trực giác như sau: 

Trực giác không phải là một món quà cho không, biếu không. Cũng như các khả năng tâm linh khác, nó sanh khởi lên từ những nhân duyên, điều kiện nhất định. Trong trường hợp này, nhân duyên chủ yếu là bộ nhớ lưu trữ những suy nghĩ và nhận thức trong tiềm thức. Hiển nhiên, những ký ức là mảnh đất màu mỡ để trưởng dưỡng trực giác phải là những ký ức có cường độ mạnh, rõ nét và có nhiều đặc tính khác biệt; bởi vì đó là những ký ức dễ tiếp cận
nhất ….. Trong những tầng sâu kín của vô thức, công việc thu thập và tổ chức vật liệu: bao gồm tri thức và kinh nghiệm nhận thức, vẫn tiếp tục diễn ra một cách thầm lặng cho đến khi nó chín muồi và nổi lên thành trực giác. Sự bùng nổ trực giác ấy đôi khi bắt nguồn từ những sự kiện hết sức thường tình. Tuy nhiên, mặc dù có vẻ là thường tình, song những sự kiện đó lại có khả năng liên tưởng, kết nối mạnh nếu trước đó chúng đã là đối tượng của
sự chú ý liên tục. Công năng làm chậm và tạm dừng của ghi nhận thuần túy sẽ làm bộc lộ những chiều kích sâu sắc của những sự việc đơn giản trong cuộc sống đời thường, và do đó cung cấp tác nhân kích thích cho trực giác phát triển…… Sự chú ý liên tục không chỉ cung cấp mảnh đất màu mỡ cho trực giác phát triển, mà còn giúp chúng ta tận dụng tốt hơn và thậm chí có thể tái lặp lại những khoảnh khắc trực giác ấy.

Tham Lam

Sự bắt đầu của lòng tham là ưa, thích. Sự ưa, thích nầy không làm hại cho bản thân người ưa thích và người ở gần bên. Vì người ưa thích làm lụng để lấy tiền, chớ không làm gì đến kẻ khác để lấy tiền làm giàu cho bản thân mình. Như vậy chưa gọi là Tham được.
Nếu đem lòng tham ví với các trạng thái của trái xoài chín và nếu phân tách trạng thái của trái xoài chín, thì người ta thấy có 7 giai đoạn:


1. Hườm hườm           2. Vừa chín           3. Chín đều             4. Chín mùi.
5. Chín thâm kim                      6. Chín úng                        7. Chín rục có dòi.


Người ăn xoài có thể ăn bốn thứ xoài từ hườm hườm cho tới xoài chín mùi thì thật là vô hại, bằng ăn ba thứ sau sẽ có hại cho sức khỏe.
Lòng tham cũng có tuần tự tiến triển như chín mùi của trái xoài. Có thứ lòng tham cũng không hại, nhưng ta không biết ngăn đón nó, thì nó lại đem đến sự tai hại cho ta. Như tôi đã
nói bắt đầu của của lòng tham là sự ưa thích, nếu ta không biết ngăn nó, nó sẽ đi lần tới ham muốn và ham muốn tội lỗi, rồi tới tham .

Đối với việc đầu tư cũng có tuần tự từ ưa, thích rồi đến tham lam. Một chút thắng lợi nhỏ khi bạn mới tập chơi sẽ khiến bạn cảm thấy ưa chính mình, thích cảm giác chiến thắng; ban đầu là những đốm lửa chiến thắng nhỏ nhen nhóm trong trí, sau dần được nuôi dưỡng bởi cảm giác thích thú, thích chinh phục, đốm lửa nhỏ kia dần dần trở thành 1 đống lửa to. Ngự trị và chi phối tâm trí rồi đến hành vi của chính chúng ta. Một cảnh mà hầu như nhà đầu tư nào cũng gặp phải đó là : Khi có lãi thì không chốt, để rồi lại cắt lỗ khi giá rơi về vùng cắt lỗ. Đó chỉ là biểu hiện thành hình tướng của cái tâm tham bị che khuất.

Giận dữ

Sân giận được thể hiện dưới rất nhiều tướng trạng khác nhau và tinnh vi:  Xấu hổ, Mặc cảm tội lỗi, Ngượng ngập, Buồn tủi, Hối hận, Nhục nhã, Hối tiếc, Ăn năn hối lỗi, Điên tiết, Thịnh nộ, Oán hận, Phẫn nộ, Bực tức, Căm phẫn, Phật ý, Chua cay, Thù oán, Phiền muộn, Cáu kỉnh, Thù hằn, Căm ghét, Thô bạo, Buồn bã, Sầu khổ, Đau buồn, Ủ rũ, U sầu, U uất, Tự thương hại bản thân, Cô đơn, Chán ngán, Thất vọng, Trầm cảm – Phiền muộn.

Bất kỳ nhà đầu tư từng trải nào cũng trải qua trọn vẹn các cảm xúc trên. Có khác thì chỉ khác nhau ở cường độ mà thôi. Bạn xấu hổ khi ra nhiều quyết định sai, mặc cảm tội lỗi khi muốn giúp người khác kiếm tiền trên thị trường nhưng lại bị lỗ nặng, buồn tủi và nhục nhã với chính lời nói và hành vi của mình …..

Lưu ý là tâm sân có 2 khuynh hướng:
– Sân hận: phát ra, tấn công, tiêu diệt đối tượng
– Sợ hãi: thu lại, thủ thế, tránh né đối tượng

Có 1 câu nói kinh điển trên thị trường tài chính đó là: Lòng tham và nỗi sợ hãi. Nỗi sợ hãi cũng là 1 hình tướng khác của sân.

Nỗi sợ hãi

Bạn là 1 nhà đầu tư mới, tham gia thị trường với con mắt hiếu kỳ và ham học hỏi. Bạn đầu tư cho mình những khóa học đắt đỏ nhằm trang bị kiến thức và phương pháp đầu tư hoàn hảo. Những hành động đó dần dần được tích lũy trong não bộ, chúng hình thành những khuôn mẫu và chuẩn mực đầu tư của riêng bạn.  Nhưng khi bộ não đã tạo ra những khuôn mẫu rồi thì nó từ chối sự sản sinh những khuôn mẫu mới khác, mà có thể là bấp bênh. “Sự di chuyển từ trạng thái chắc chắn sang trạng thái bấp bênh là cái mà tôi gọi là sợ”.

Tư tưởng, vốn là cái luôn luôn cũ mèm, bởi vì tư tưởng thoát thai từ ký ức, mà ký ức thì dĩ nhiên là luôn luôn cũ mèm — tư tưởng, vào lúc đó, tạo ra cái cảm giác là bạn đang sợ hãi, nhưng đó chỉ là cảm giác, không có trong thực tế. Thực tế là bạn đang khỏe mạnh. Nhưng cái kinh nghiệm về sự thua lỗ, vốn đã khắc ghi trong tâm trí, trỗi lên nỗi sợ “Cẩn thận, đừng để bị lỗ lại nữa đấy nhé!”

Như thế chúng ta thấy rằng chính suy nghĩ gây ra một loại sợ hãi.” Và trong suy nghĩ chúng ta luôn so sánh. So sánh sản sinh ra sợ hãi, bạn hãy tự quan sát sẽ thấy. Sóng này dài hơn sóng trước mà sao lợi nhuận kiếm được ít hơn sóng trước, bạn so sánh các lần thua lỗ cũng như các lần lãi nhiều ít với nhau, so sánh mình với các nhà đầu tư khác. Nó phát sinh mâu thuẫn, và cản trở quyết định của bạn.

Si mê

Trong 3 độc Tham, Sân, Si thì Si mê được coi là gốc của Tham và Sân (bao gồm cả sợ hãi).  Người ta thường nhấn mạnh vào tham lam, sợ hãi là chướng ngại lớn nhất trong đầu tư mà ít chú ý để thấy rằng chính trạng thái tâm si mê là mảnh đất màu mỡ cho tham sân phát triển là mối nguy hại nhất. Trạng thái tâm này rất khó hóa giải. Nó chi phối hầu hết suy nghĩ hoạt động của chúng ta trong cuộc sống nói chung và trong nghề trading nói riêng. Quan sát thị trường thì chúng ta có thể ước tính khoảng 80% thời gian thị trường không có sóng, nên khi đối diện thị trường trong tình trạng này, tâm chúng ta dễ dàng bị khởi lên các ý nghĩ lan man, tìm kiếm, nắm bắt, dẫn đến giao dịch bừa bãi hoặc quá độ (overtrade) và thua lỗ. Si mê được biểu hiện qua nhiều trạng thái tâm gồm có phóng dật (nghĩ ngợi lung tung, lao chao bấn loạn), nghi (phân vân, lưỡng lự, hốt hoảng, bứt rứt, muốn nắm bắt cái gì cũng không rõ, không xong), hôn trầm thụy miên (lười chán, ngái ngủ, thụ động), vô tàm (không biết việc đó là tội lỗi, đáng hổ thẹn), vô quý (không biết hậu quả việc làm, liều mạng).

“Chúng có thể bao gồm nhiều loại ký ức và hình ảnh của quá khứ, gần hay xa, cả những thứ nổi lên từ lớp sâu trong tiềm thức; các suy nghĩ về tương lai – dự tính, vạch kế hoạch, tưởng tượng, lo sợ, hy vọng; và cả những tác động giác quan có thể xảy ra trong thời gian hành thiền thường kéo theo cả một chuỗi dài suy nghĩ. Mỗi khi định tâm và chánh niệm bị suy thoái, các suy nghĩ lan man hoặc mơ tưởng sẽ xuất hiện và lấp đầy khoảng trống. Mặc dù
tự thân chúng có vẻ như vô nghĩa, song do xuất hiện thường xuyên nên chúng trở thành một chướng ngại lớn… “

Do ta si mê nên ý chưa đủ sáng suốt, ý không sáng suốt thì suy nghĩ bị sai lệch, suy nghĩ sai lệch khiến cho hành động và lời nói bị sai lệch theo, kết quả thu được thường đa số ở dạng bất như ý. Kết quả đó tác động ngược lại ta khiến ta cảm thấy khổ, càng cảm thấy khổ (tham, sân) thì tâm trí lại càng lu mờ, thiếu tỉnh táo …. cứ thế nó lặp đi lặp lại thành 1 vòng lặp không ngừng nghỉ mà trong nhà Bụt có học thuyết gọi là ” 12 nhân duyên” .

Trân trọng./.

—————————
Tâm Thanh – Chuyên viên Phân tích, Tư vấn đầu tư chứng khoán
Điện thoại / Zalo / Viber: 0338176848

Room Tư vấn miễn phí: TẠI ĐÂY

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

error: Content is protected !!