Cập nhật cổ phiếu DNP – Giá trị hợp lý của cổ phiếu là 12,600 đồng
Công ty Cổ phần Nhựa Đồng Nai là doanh nghiệp được thành lập từ năm 1976 và tập trung cho hai ngành chiến lược là Nhựa và Nước sạch.
Đồ thị ngày cổ phiếu DNP phiên giao dịch 28/12/2018
Ngành và vị thế công ty
– Ngành nhựa Việt Nam vẫn đang ở những giai đoạn phát triển mới:
(1) Thị trường phân mảnh, cạnh tranh cao với khoảng 4,000 DN mà mỗi ngành nhánh chỉ có 1 số ít DN lớn (nhựa bao bì có AAA, nhựa xây dựng có NTP, BMP, nhựa kỹ thuật có NHH).
(2) Hoạt động M&A lẫn nhau và bị các DN nước ngoài mua lại đang diễn ra mạnh mẽ (AAA mua NHH, SCG mua BMP…), vẽ lại bức tranh thị phần của ngành.
(3) Cơ hội lớn để nhanh chóng đi đến giai đoạn tăng trưởng cao đến từ việc EU sẽ giảm thuế theo lộ trình hiệp định EVFTA và Trung Quốc – nước XK nhựa số 1 TG có thể chuyển SX sang Việt Nam do tác động của chính sách siết môi trường và CTTM.
– Ngành cấp thoát nước: vị trí địa lý và đặc thù phân bố sông ngòi cung cấp cho Việt Nam nguồn nước cực lớn, với khoảng 800 tỉ m3/năm nước mặt và trữ lượng khai thác nước ngầm khoảng 64 tỉ m3/năm, tương đương trung bình 8000 m3/người/năm, gấp 1.5 lần trung bình thế giới.
– DNP là doanh nghiệp hàng đầu trong cả hai ngành nghề kinh doanh, với thị trường tiêu thụ nhựa trải khắp Việt Nam cũng như xuất khẩu, và thị trường cung cấp nước tại 8 tỉnh thành.
Mô hình kinh doanh
– Trong hoạt động SXKD của DNP, 92% doanh thu đến từ các mảng SX nhựa, 8% đến từ mảng nước sạch. Trong các SP nhựa, mảng nhựa xây dựng (các loại ống nhựa & phụ kiện) đóng góp 37% doanh thu và 72% LN cho DNP là mảng có tỉ suất sinh lời cao nhất.
– Năng lực sản xuất hiện tại của DNP cho mảng SX nhựa đạt 8,300 tấn/tháng với 5 nhà máy, và 560,000 m3/ngày đêm với 6 nhà máy cho mảng nước sạch.
– KQKD 9T/2018 của DNP ghi nhận tăng trưởng 36% về doanh thu thuần. Tuy nhiên do áp lực giá hạt nhựa PP là nguyên liệu đầu vào cho SX nhựa tăng trong nửa đầu 2018, cùng với chi phí lãi vay cho mở rộng SXKD và chi phí quản lý DN tăng cao sau các thương vụ sát nhập khiến biên LN ròng của DNP giảm xuống chỉ còn khoảng 3% (so với 6.5% của cùng kì 2017).
Triển vọng doanh nghiệp
– Triển vọng phát triển cho DNP là rất khả quan dựa trên các yếu tố sau:
(1) Mảng nhựa hưởng lợi chung các yếu tố tích cực của ngành: Tiêu thụ nhựa bình quân đầu người tại VN vẫn đang thấp hơn trung bình châu Á (41 kg/người/năm vs. 48 kg/người/năm). Lợi thế nhân công giá rẻ, môi trường kinh doanh thuận lợi, kết hợp với xu hướng TQ siết môi trường và ảnh hưởng CTTM sẽ đẩy các đơn hàng gia công nhựa từ TQ sang, biến VN trở thành công xưởng SX nhựa của thế giới.
(2) Mảng nước sạch: tốc độ đô thị hóa và công nghiệp hóa sẽ tạo ra nhu cầu lớn về cung cấp nước (tăng trưởng trung bình 2017-2020 dự kiến đạt lần lượt 43% cho SX CN và 35% cho dân dụng). Với các dự án tăng công suất hiện hữu, DNP dự kiến tới năm 2025 sẽ tăng gấp đôi khả năng cung ứng nước, đạt 1 triệu m3/ngày đêm.
– Tuy nhiên, việc mở rộng hoạt động kinh doanh của DNP cũng đối mặt với các rủi ro:
(1) Mảng nhựa: biến động khó lường của giá dầu và giá hạt nhựa đầu vào, cùng với làn sóng M&A của doanh nghiệp ngoại đặt các DN vào bài toán thay đổi để cạnh tranh hiệu quả.
(2) Mảng nước sạch: lộ trình thoái vốn của Nhà nước còn chậm, cùng với sự cạnh tranh từ các DN khác trong các deal thoái vốn có thể gây suy giảm hiệu quả đầu tư của DNP.
Sức khỏe tài chính
– Việc vay vốn mở rộng SXKD khiến các chỉ số sức khỏe tài chính của DNP chỉ ở mức trung bình: Tỉ lệ đòn bảy tài chính ở mức 77% TTS, khả năng thanh toán hiện thời (Quick ratio) ở mức 1.12 lần.
– DNP liên tục có các chương trình ESOP cho nhân viên và cũng mới chào bán thêm 12 triệu CP để gọi vốn cho các dự án đầu tư tiếp theo, gây hiệu ứng pha loãng khiến giá CP trở nên kém hấp dẫn trong ngắn trung hạn.
– Dự báo LNST của DNP lần lượt sẽ đạt 59 và 116 tỉ cho năm 2018 và 2019, tương đương EPS đạt 650đ và 1,113đ
Định giá nhanh:
– Giá trị hợp lý của cổ phiếu: 12,600 đồng
– Thời gian đánh giá: Tháng 12/2018