Sự nguy hiểm của thói quen trong đầu tư (Phần 1)
” Phát triển thói quen tốt, chuyển hóa thói quen xấu” là thông điệp mà chúng ta luôn được nghe và giảng dạy từ khi ngồi trên ghế nhà trường. Lớn lên ta lại liên tục bắt gặp chúng trong các khóa học phát triển bản thân, hay ngay cả trong khẩu hiệu mà công ty bạn liên tục đề xướng nhằm khích lệ động viên tinh thần nhân viên. Thật tuyệt vời ! và suy xét kỹ thì chúng ta vẫn thấy điều đó thật đúng và tuyệt vời. Không có gì sai trái ở đây cả. Nhưng khoan, thói quen của con cún nhà bạn là gặm xương, thói quen của con gà trống là gáy vào 5h sáng, thói quen của con khỉ là leo cây chuyền cành và trộm quả v.v…. Chúng đều là những thói quen tốt và cần thiết cho sự sinh tồn và phát triển của chính bản thân chúng. Nhưng chúng vẫn chỉ là chó, là gà, là khỉ mà thôi, chúng chẳng thể “phát triển bản thân” thành một phiên bản mới cao cấp hơn được. Mượn sự ví von khập khiễng trên mình muốn đưa tới cho các bạn một góc nhìn mới về thói quen. Đặc biệt là thói quen trong đầu tư chứng khoán.
Ảnh minh họa
“Thói quen là một chuỗi phản xạ có điều kiện do rèn luyện mà có”, trong đó phản xạ có điều kiện là những hành vi được lặp đi lặp lại nhiều lần mà thành. Hiểu nôm na là làm nhiều thành quen. Bạn hít thở, bạn giật mình hay bạn chảy nước miếng khi ăn thì đó là phản xạ vô điều kiện của cơ thể, nó không phải thói quen. Nhưng bạn dậy đều đặn và mỗi 3h sáng để ngồi thiền và học tập trong suốt 1 thời gian dài thì đó là thói quen bạn làm được do bạn luyện tập trong thời gian dài. Chúng ta luôn được khuyến khích rằng để phát triển bản thân, chúng ta nên tạo cho mình những thói quen tốt và chuyển đổi những thói quen xấu. Nếu bạn có thói quen chăm tập thể dục mỗi ngày, bạn sẽ có một cơ thể khỏe mạnh; nếu bạn có thói quen đọc sách mỗi ngày, bạn sẽ càng trở nên thông thái; nếu bạn quen giúp đỡ người khác, bạn sẽ được nhiều người xung quanh yêu mến v.v… Những điều này là hoàn toàn chính xác và không thể phủ nhận, bạn sẽ trở nên tuyệt vời hơn từ trong cảm giác. Bạn hình dung bạn là người tuyệt vời, cuộc sống của bạn lặp đi lặp lại ngày qua ngày, bạn thức dậy lúc 4h sáng ngồi thiền, đọc sách và tập thể dục; tắm giặt và vệ sinh đến 7h sáng thì đi làm; chiều 5h đã có mặt tại phòng gym; buổi tối thư dãn dành thời gian bên gia đình và 11h thì lên giường ngủ. Ngày qua ngày, đêm qua đêm bạn đều như thế trong 30 năm nay. Chà, tận 30 năm rồi cơ đấy, không nhìn lại chắc cũng không để ý đến. Mọi việc đều đặn và lặp đi lặp lại một cách nhuần nhuyễn có trật tự như vậy. Nó khiến mình hình dung ra những con AI trong các bộ phim khoa học viễn tưởng. Chúng được lập trình để hoàn thành các công việc trong một ngày rồi dành thời gian nào đó trong ngày để sạc năng lượng cho một quy trình như vậy diễn ra ngày hôm sau. Chúng làm rất giỏi và thành thục, độ sai sót rất thấp và độ an toàn cao. Hình như việc chúng ta làm theo thói quen hàng ngày có phần không nhỏ giống AI giống dây truyền sản xuất hay giống cái đồng hồ báo thức nhà bạn thì phải !?.
Bạn thấy đấy, các thói quen được hình thành bằng việc nỗ lực luyện tập thường xuyên. Để rồi đến một ngày chúng ta làm điều đó mà không cần nỗ lực nữa, nó tự động đến. Nó tự động đến nỗi chúng ta cũng không để ý đến nó nữa. Chúng ta để ý đến việc khác. Thói quen mà chúng ta thiết lập được vô hình như một mã code cài đặt chúng ta, biến chúng ta trở thành một cỗ máy hoạt động trong vô thức. Từ phản xạ có điều kiện dường như chứa trong đó bóng dáng của phản xạ vô điều kiện. Bạn không tin ư ? Bạn thử để ý hơi thở của mình trong 5 phút là sẽ thấy, trong 5 phút đó bạn có bao nhiêu thời gian là biết rõ từng hơi thở của mình ?. Nếu bạn thực sự nghiêm túc để ý, bạn sẽ nhận ra. Bạn đang thở hay bạn đang hô hấp !
Mình chợt nhớ tới một câu chuyện về thiền sư Thích Nhất Hạnh như sau: “Khi còn là một chú tiểu mới mười sáu tuổi, Thầy tôi đã dạy tôi cách đóng cửa với sự chú tâm một trăm phần trăm. Một hôm Thầy sai tôi đi làm một việc. Tôi hăng hái, hấp tấp, đi nhanh ra và khép cửa vội vàng. Thầy kêu tôi lại: “Này con, con lại đây.” Tôi trở lại, đứng vòng tay chờ. Thầy tôi nói: “Con đi ra lại và khép cửa cho đàng hoàng coi.” Đó là bài học đầu tiên của tôi về thực tập chánh niệm. Khi đó tôi đi ra trong chánh niệm, ý thức từng bước đi, nắm lấy cánh cửa trong chánh niệm, và mở cửa trong chánh niệm. Kể từ đó Thầy tôi không còn phải dạy tôi cách đóng cửa lần thứ hai.” Ở đây, chú tiểu Nhất Hạnh hoạt bát được thầy giao cho một việc liền nhanh nhảu bước đi qua thềm cửa như mọi khi một cách hăng hái. Mái chùa khi xưa thường có gờ cửa khá cao tầm chắn trước, khi đi ra khỏi cửa ta luôn phải nhấc chân lên để đi ra và tất nhiên việc này rất đơn giản. Nếu là trẻ nên ba thì việc bước qua cần phải để ý và làm từ từ chậm rãi, rồi sau bước nhiều khắc quen, chúng ta bước qua một cách dễ dàng mà không cần để ý nhiều. Và chú tiểu Nhất Hạnh cũng thế, việc bước ra khỏi cửa và khép cửa nó quá mức đơn giản bởi ngày nào chú chả làm, chú làm điều đó mỗi ngày. Nhưng chú làm điều đó một cách tự động như một cái máy. Bậc thềm, cánh cửa ở đó nhưng chú không ở đó, chú đang phiêu du với những suy nghĩ đẹp về công việc sư phụ giao cho. Vị thầy thấy thế và biết thế, nên liền nhắc nhẹ chú để chú trở về. Lúc này chú chợt nhận ra và lập tức sửa đổi. Chú bước đi và đóng cửa lại với sự hiện diện một cách trọn vẹn của cả thân và tâm. Hành vi của chú không còn giống một cái máy nữa. Nó thực sự rất “Người”.
Đó là điều mình muốn truyền tải tới các bạn. Chúng ta có xu hướng xây dựng cho mình thói quen tốt, để rồi thói quen đó quay lại lập trình lại chính chúng ta. Thói quen nói với chúng ta rằng, nó cần thiết nhưng không cần để ý. Và tâm thức chúng ta mặc nhiên thỏa hiệp với điều đó, bởi càng không để ý, não bộ sẽ càng “nhàn”. “Nhàn” là động lực ngầm thúc đẩy các hành vi khác của chúng ta.
Quay trở lại với việc đầu tư. Bạn biết đấy, hầu hết mọi hành vi của chúng ta được hình thành trong cuộc sống đều là do chúng ta luyện tập mà ra. Từ bước những bước đi chập chững lúc chào đời cho đến tư duy phức tạp lúc trưởng thành. Không thể tự nhiên sinh ra mà chúng ta đã biết đầu tư. Để đầu tư chúng ta cũng cần cả một quá trình học tập, tìm hiều và rèn luyện dài ngắn tùy căn cơ nơi mỗi người. Qua quá trình rèn luyện một thời gian nào đó, bạn hình thành cho mình một phương pháp đầu tư phù hợp với bản thân. Cái hình thành đó chính là thói quen mà bạn xây dựng được cho chính mình. Cụ thể là thói quen tư duy, thói quen phản xạ với thị trường và thói quen phản ứng với biến động. Bạn có thể là một người nhanh nhẹn, nhạy bén với các biến động của thị trường nên bạn thường xuyên tìm kiếm các cơ hội ngắn hạn nhằm tối đa hóa lợi nhuận thu được; bạn thường xuyên mua vào – bán ra để thực hiện lợi nhuận hoặc phòng ngừa rủi ro; thường xuyên tìm kiếm tin tức, liên kết các dữ kiện để lý giải cho hành vi thị trường tại thời điểm hiện tại, để từ đó bạn có thể ra quyết định đầu tư một cách chớp nhoáng; một khoản đầu tư sai khiến bạn lỗ 7% bạn sẽ cảm thấy không chịu nổi và quyết định thu hồi vốn về tìm cơ hội khác v.v …. tất cả những hành vi đó được lặp đi lặp lại nhiều lần trong quá trình bạn đầu tư, nó vô tình trở thành thói quen của bạn lúc nào mà bạn không hay biết. Bạn đầu tư thành công với thói quen đó – xin chúc mừng bạn, và chúc bạn có thể tiếp tục duy trì sự thành công của mình một cách lâu dài trong tương lai. Nhưng nếu bạn đầu tư thất bại với thói quen đó thì sao ? Sau 5 năm, 10 năm trading bạn thấy nó thật vô nghĩa vì không hiệu quả như một số người đầu tư nắm giữ lâu dài và bạn muốn thay đổi phương pháp đầu tư. Vấn đề bắt đầu phát sinh. Tài khoản bạn bị âm 7%, bạn rất khó chịu; âm tiếp 10% bạn nóng ruột; âm tiếp 15% bạn cáu bẳn; âm tiếp 20% bạn chán đời và cắt lỗ – thà một lần đau. Sao họ có thể cầm cổ phiếu 5-10 năm nhỉ ? Bạn đặt câu hỏi. Thói quen trong cảm xúc, trong tư duy, trong ứng xử mà trước kia bạn thực hiện nó đã chi phối bạn. Giờ đây để thay đổi, để tìm một con đường khác bạn thấy rất khổ cực và vô cùng mệt mỏi. Chả thế mà có các cụ khi xưa mới có câu :” Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời” – Ở một góc độ khác mà mình không tiện phân tích thì bản tính chính là thói quen của bạn đã từng xây dựng đấy.
Bạn là một nhà đầu tư mới hay lâu năm trên thị trường thì tính cách (thói quen) vẫn luôn là thứ tác động đến quyết định của bạn. Bạn có quan niệm như thế nào về thị trường ?. Bạn có phản ứng như thế nào với rủi ro/lợi nhuận ? Cách bạn tư duy khi đầu tư là như thế nào ?…. Tất cả những điều đó sẽ thúc đẩy hành vi của bạn trong quá trình đầu tư. Gieo hành vi gặt thói quen, gieo thói quen gặt tính cách, gieo tính cách gặt số phận. Mỗi quyết định của bạn trong ngày hôm nay sẽ được lặp lại một cách vô thức trong ngày mai mỗi khi bạn lòng tham và nỗi sợ hãi xảy ra trong tâm trí bạn mà bạn không hề hay biết. Đa số nhà đầu tư trên thị trường đều như vậy, đó cũng là lý do tại sao mà thị trường hay lặp lại các kiểu mô hình mà bạn hay gặp trong phân tích kỹ thuật. Bạn nghĩ là mình ra quyết định một cách đầy lý trí và tỉnh táo nhưng lại không thấy rằng thói quen tư duy, thói quen nhìn vấn đề nó đứng sau thúc đẩy sự tỉnh táo của bạn.
Nhiều nghiên cứu tâm lý học và tâm lý học hành vi trong kinh tế chỉ ra rằng chúng ta luôn hành xử cảm tính mà không hề lý trí như chúng ta nghĩ. Bạn có thể tham khảo cuốn “Misbehaving: The making of behavioral economics” của Richard H. Thaler – Tác giả đoạt giải Nobel kinh tế 2017. Và có thể bạn chưa biết. Trong các thói quen thì thói quen cảm xúc là thói quen có mức độ dính mắc chặt chẽ nhất đến tâm thức của bạn, nó chi phối hành vi và cả tư duy của bạn. Cảm xúc hiện diện trong từng hơi thở, từng hành vi bạn đang trải nghiệm. Mỗi một hành vi từ khi nó chưa là thói quen cho tới khi nó là thói quen thì gắn liền với nó luôn là cảm xúc tại thời điểm đó. Não bộ bạn nhớ thông qua cảm xúc. Bạn có thể ra quyết định mua cổ phiếu với một niềm tin rất mãnh liệt vào tương lai của công ty nhưng thói quen cảm xúc về sự lo sợ sẽ làm cho niềm tin của bạn bị xói mòn mỗi khi giá cổ phiếu có những biến động trái chiều. Để rồi nhiều khi bạn bán ra cổ phiếu xong thì cổ phiếu tăng 5 lần, 7 lần, 10 lần trong vài năm sau đó. Rõ ràng là bạn thấy được tiềm năng của khoản đầu tư nhưng bạn lại chẳng thể thu được gì nhiều từ cái thấy của mình cả ….
(còn tiếp)
Bài viết không mang tính đúng đắn, nó chỉ mang tính phù hợp vì xuất phát từ sự thấy biết hạn hẹp của tác giả nên bài viết chỉ đơn thuần có tính tham khảo